1. Thuận lợi
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Thanh đã tập trung đoàn kết, thống nhất cao trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, Quốc phòng an ninh; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế; cơ chế chính sách của xã luôn được đổi mới, bổ sung kịp thời và phù hợp với tình hình của địa phương đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài địa phương, tạo thêm động lực mới cho sự phát triển trên địa bàn xã. Hiện nay đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới và đạt tiêu chí Đô thị loại 5 theo Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 và Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 18/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Khó khăn
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình thiên tai dịch bệnh, dịch bệnh ở động vật (Dịch tả lợn Châu Phi), đặc biệt là Đại dịch Covid 19, thiên tai, lụt bão xảy ra liên tục đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế xã hội, phát triển toàn diện trên địa bàn xã, cũng như ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của xã và đời sống của nhân dân ở địa phương.
II. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH ĐẢNG, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC
-
Triển khai các chủ trương, chính sách Đảng
Thường xuyên tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách mới của Đảng cho toàn thể cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân thông qua Hội nghị, các cuộc họp dân, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã. Tổ chức các hoạt động thiết thực để đưa chủ trương, chính sách của Đảng đến tận cán bộ, công chức và nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trên địa bàn xã.
2. Triển khai các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định của các Bộ, ngành Trung ương
UBND xã đã cụ thể hoá các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp uỷ thành các chương trình, kế hoạch, tổ chức điều hành thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, UBND xã đã có nhiều giải pháp tích cực để tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Công tác quản lý, điều hành có nhiều đổi mới; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; hoạt động của chính quyền được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân hơn, quan tâm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện văn hoá công sở của cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, thực sự năng động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
III. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA UBND XÃ.
1. Số lượng, cơ cấu, chất lượng thành viên UBND xã (theo biểu mẫu số 1).
Về số lượng, chất lượng, cơ cấu thành viên UBND các cấp xã được thực hiện đúng quỵ định của Trung ương. Số lượng thống kê thành viên UBND nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy nhiên thực hiện Nghị quyết 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính số lượng thành viên cán bộ, công chức (không tính cán bộ bán chuyên trách) UBND xã tính đến thời điểm hiện tại 23 đồng chí. So với quy định biên chế xã Loại 1: 23 đồng chí đủ số lượng cán bộ, công chức theo quy định không có dôi dư.
+ Về thành viên: 23 thành viên. Trong đó: nữ 8, chiếm tỷ lệ 34,7%;
+ Về độ tuổi: dưới 35: 6 đồng chí chiếm tỷ lệ 26,08%; từ 35 đến 50: 14, chiếm tỷ lệ 60,8 %; trên 50 tuổi: 03, chiếm tỷ lệ 13,04 %.
+ Về trình độ: Trung học phổ thông 23/23, chiếm tỷ lệ 100%; Đại học 22, chiếm 95,7%. Cao đẳng 01, chiếm 4,3%;
+ Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân chính trị: 01, chiếm 4,3%; trung cấp 16, chiếm 69,5%.
2. Tổ chức các chức danh chuyên môn của UBND xã.
Thực hiện Nghị định số 92/2009/ND-CP ngày 22/10/2009, và Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 của Chính phủ.
- Đối với các chức danh cán bộ chuyên trách: Đảng uỷ, HĐND và UBND xã đã có sự chỉ đạo, theo dõi sâu sát trong công tác nhân sự của bộ máy chính quyền địa phương. Trước các kỳ bầu cử, công tác chuẩn bị nhân sự các chức danh cán bộ chuyên trách đã được quan tâm thực hiện tốt, rà soát và lựa chọn theo tiêu chuẩn quy định. Việc bầu cử các chức danh cán bộ chuyên trách được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo theo đúng luật và các điều lệ. Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công các kỳ bầu cử đại biểu HĐND và tổ chức Đại hội Đảng bộ ở cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã.
- Đổi với công chức chuyên môn: Đến nay 100% số công chức cấp xã được tuyển dụng có trình độ từ cao đẳng trở lên, đúng chuyên ngành chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh và ngạch công chức quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị Quyết 06/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 về quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của HĐND tỉnh. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Tổng số cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã hiện nay là: 23 người, trong đó cán bộ chuyên trách là: 11 người, công chức chuyên môn là: 12 người. Việc bố trí cán bộ chuyên trách, sử dụng công chức cấp xã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
IV. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA UBND CẤP XÃ
1. Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp xã
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016- 2021 UBND xã đã chủ động xây dựng quy chế làm việc theo hướng dẫn quy chế mẫu của cấp trên, phân công chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên UBND. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức chuyên môn. Nhìn chung, công tác chỉ đạo điều hành của UBND cấp xã có nhiều đổi mới, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo nghị quyết đã đề ra.
2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã trên các lĩnh vực kinh tế của đời sống xã hội.
a. Về kinh tế
Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tăng trưởng khá; tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 12,94%/năm; quy mô nền kinh tế đạt 778,1 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,9 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 594,73 tỷ đồng; thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 đạt 60,04 tỷ đồng.
- Cơ cấu kinh tế: Chuyển dịch đúng hướng: Thương mại, dịch vụ, du lịch- Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn- Nông nghiệp. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch từ 48,14% năm 2015 lên 52,27% năm 2020; Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn từ 21,09% năm 2015 lên 25,43% năm 2020; Nông nghiệp từ 30,77% năm 2015 xuống 22,30% năm 2020. Giá trị sản xuất hàng năm tăng trưởng khá từ 422,9 tỷ đồng năm 2015 lên 778,1 tỷ đồng ước thực hiện năm 2020.
- Về lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch
Đã quan tâm lãnh chỉ đạo, tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng chợ Sáng và chợ Chiều, từng bước hình thành các điểm phân phối hàng hóa cho các vùng phụ cận. Các hoạt động kinh doanh buôn bán dọc tuyến Quốc lộ 49B và Tỉnh lộ 18 ngày càng tăng; dịch vụ vận tải, ứng dụng công nghệ thông tin, thu mua nông hải sản, sửa chữa xe máy, điện tử, áo cưới, ngày càng phát triển đã tạo nên bộ mặt đô thị. Du lịch biển ngày càng được quan tâm đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất, lượng khách đến vui chơi giải trí năm sau tăng hơn năm trước, kêu gọi đầu tư dự án khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp của các tập đoàn nước ngoài( công ty cổ phần vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang, công ty cổ phần đầu tư Vinh Thanh).
Giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch tăng bình quân hàng năm 14,91% từ 203,6 tỷ đồng năm 2015 lên 406,71 tỷ đồng năm 2020, chiếm tỷ trọng 52,27% trong cơ cấu kinh tế.
- Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn
Tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề nông thôn phát triển khá như: Mộc mỹ nghệ, cơ khí gò hàn, may mặc, chế biến nông hải sản, xây dựng. Trong 5 năm, qua nhờ có nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện cho các ngành nghề mộc mỹ nghệ, may mặc đã thúc đẩy các cơ sở phát triển sản xuất, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm, mở rộng thương hiệu để tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đầu tư hệ thống giao thông, lưới điện đến tận khu dân cư, khuyến khích các hộ gia đình phát triển, mở rộng cơ sở sản xuất, các ngành nghề nhằm tạo việc làm mới. Toàn xã hiện có trên 35 cơ sở và 01 hợp tác xã sản xuất mộc mỹ nghệ dân dụng có tay nghề cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, lực lượng lao động, thợ xây dựng, mộc, cơ khí, may mặc ngày càng tăng, mở rộng thị trường lao động trong, ngoài tỉnh và ở nước Lào; các ngành nghề truyền thống được duy trì phát triển chế biến bún, bánh, rượu gạo, nem chả…
Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn bình quân hàng năm tăng 17,42% từ 89,2 tỷ đồng lên 197,89 tỷ đồng năm 2020, chiếm tỷ trọng 25,43% trong cơ cấu kinh tế.
- Về lĩnh vực nông nghiệp
Lĩnh vực nông nghiệp có bước phát triển mới, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, mô hình nuôi xen ghép mang lại hiệu quả kinh tế, nhân dân tiếp tục đầu tư thêm nghề mới để đánh bắt, trong nông nghiệp đã tăng nhanh về giá trị sản phẩm, giảm dần lao động thuần nông.
Nông nghiệp: là xã có diện tích đất nông nghiệp không lớn, độ màu mỡ kém, còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai nhưng UBND xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng loại đất, mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Ngành chăn nuôi có bước phát triển, đàn gia súc, gia cầm được duy trì, tổng đàn lợn bình quân hàng năm 2.510 con; hiện toàn xã có 16 gia trại nhỏ nuôi lợn từ 45 con/gia trại, 3 gia trại nuôi bò vỗ béo 50 con, một gia trại nuôi dê 30 con. Tổng trọng lượng thịt từ gia súc, gia cầm hàng năm khoảng 300 tấn. Công tác tiêm phòng và kiểm tra giết mổ thường xuyên được triển khai thực hiện, nhờ vậy hạn chế tình hình dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trồng và chăm sóc bảo vệ rừng được chú trọng; diện tích rừng hiện có 104,7ha, mật độ che phủ 30%. Trong đó: Phi lao 33,6 ha; Keo 71,1 ha; hàng năm nhân dân trồng 20.000 cây phân tán các loại, phát triển việc gieo ươm được 02 ha gồm 40 vạn cây con, cung cấp cho nhu cầu cây giống trong và ngoài tỉnh.
Tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi xen ghép, đảm bảo môi trường cho việc nuôi trồng, địa phương đã vận động nhân dân giải tỏa nò sáo, khơi thông luồn lạch, đầu tư sửa chữa và nạo vét kênh mương. Diện tích nuôi trồng hàng năm 42,7ha, chủ yếu nuôi xen ghép tôm, cua, cá có hiệu quả kinh tế cao, một số hộ lãi lên đến 500 triệu đồng/năm, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 130 tấn.
Tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế biển, khuyến khích vay vốn mua sắm ngư lưới cụ để chuyển một số nghề mới khai thác xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có 27 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 360CV- 802CV; 84 tàu, thuyền đánh bắt gần bờ, 48 ghe đánh bắt đầm phá. Sản lượng đánh bắt gần bờ ổn định; sản lượng khai thác, đánh bắt bình quân hàng năm ước đạt 2.792,6 tấn.
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hằng năm tăng 5,12% đạt 3.500 tấn (chỉ tiêu đề ra tăng 5% đạt 3.000 tấn).
Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm là 6,91% từ 130,2 tỷ đồng năm 2015 lên 173,15 tỷ đồng năm 2020, chiếm tỷ trọng 22,30% trong cơ cấu kinh tế.
(Chi tiết co file đính kèm)