Chỉ năm ngày nữa là vươn khơi, anh Đỗ Văn Khể, một ngư dân dày dặn kinh nghiệm đang bận rộn để chuẩn bị nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ.
Nghề đan lưới đem lại thu nhập lúc nhàn rỗi cho người dân
“Từ 10 tuổi tôi đã đi biển, quen với sóng gió, nhưng thời ấy thì vất vả. Đến nay với sự quan tâm của chính quyền các cấp, tàu bè được hỗ trợ đóng mới, kiên cố, hiện đại hơn. Giờ mọi người đều yên tâm vươn khơi bám biển, thu nhập cũng từ đó tăng lên”, anh Khể hồ hởi.
Vào hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Phát, Chi hội trưởng Chi hội ĐBXB, người người tấp nập mua ngư lưới cụ. Năm cơ sở lớn nhỏ mọc lên trong vài năm trở lại đây trên địa bàn xã cho thấy sức hút của các loại lưới, phao…
Ông Phát cho biết: Nhu cầu mua ngư lưới cụ ngày càng lớn. Ở đây trung bình mỗi tháng tàu vươn khơi hai chuyến. Mỗi chuyến kéo dài từ 10 – 15 ngày.
Hiện tại trên địa bàn xã, số tàu có công suất từ 250- 802 CV đã lên đến 28 chiếc; trong đó, 25 chiếc có công suất trên 400 CV. Mỗi tàu ngoài chủ thuyền (thường hùn vốn đóng tàu) có trung bình từ 13 – 15 lao động. Đôi khi lao động khan hiếm, có tàu chấp nhận vươn khơi chỉ với 10 người.
Anh Khể cho hay: Hiện nay lượng bạn chài khá hiếm. Trong khi đó, nghề ĐBXB cần người có sức vóc để kham với sóng gió.
Đó vừa là cái khó, cũng là tín hiệu tích cực ở địa phương vùng bãi ngang này. Với tình trạng khát nhân lực vạn chài hiện nay, lực lượng lao động trẻ đang bươn chải phương xa có cơ hội trở về quê hương để làm việc, phát triển kinh tế. Đây cũng là điều kiện tốt để trau dồi lực lượng lao động lành nghề vươn khơi bám biển. Sự có mặt của ngư dân không chỉ thuần túy là phát triển kinh tế bằng khai thác, đánh bắt hải sản. Đó còn là hoạt động khẳng định chủ quyền biển, đảo.
Với tầm quan trọng trên, địa phương đã tạo điều kiện tối đa, động viên, khuyến khích các đội tàu phát triển. Ông Trình cho biết: Ngay bản thân những ngư dân cũng rất chịu khó, tìm tòi, sáng tạo học hỏi phương thức đánh bắt hiện đại từ các tỉnh bạn. Đó là một nỗ lực lớn, đáng khâm phục của những người con xứ biển Vinh Thanh.
Hiện nay, chỉ cần vào sâu vùng giáp biển tại địa phương, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc. Hoạt động mua bán ngư lưới cụ nhộn nhịp. Nhiều hộ dân đan, vá lưới trở nên khấm khá.
Chị Trần Thị Thê, 49 tuổi đang chăm chú vá lưới nói: “Ở đây vá lưới thường là nghề của vợ, còn chồng đi biển. Tuy nhiên những năm gần đây, nhu cầu ngày càng nhiều dẫn đến người vá lưới khan hiếm (mặc dù nghề này vẫn phù hợp với người 60-65 tuổi). Mỗi ngày tôi kiếm hơn 200 nghìn đồng, tiền công cao lên, người ta cũng ưu ái hơn với nghề của mình”.
Ngư dân và lực lượng lao động hậu cần không ngừng học hỏi, quyết chí làm giàu giúp bộ mặt nông thôn tại Vinh Thanh ngày càng khởi sắc. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên. Gương mặt những người đi biển, người vá lưới, người bán ngư lưới cụ ngày càng rạng rỡ. Thời gian tới, để nhân lực đi biển và dịch vụ hậu cần phát triển bền vững, cần sớm thi công cầu cảng, tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến vươn khơi. Một khi những chuyến tàu đầy ắp cá cập bến, tự thân những chuyến biển sẽ tạo nên sức hút đối với nhân lực theo nghề.