Theo thông tin tại hội nghị, 06 tháng đầu năm 2024, trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đạt được một số kết quả quan trọng. Theo đó, tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm hơn 9% (vượt chỉ tiêu Quốc Hội giao 4%, trong khi toàn quốc tăng 3,76%), tỷ lệ điều tra khám phá đạt 92,86% (vượt chỉ tiêu 17,86%). Tập trung đánh trúng, đánh đúng, đánh mạnh các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy vào địa bàn tiêu thụ, triệt xóa các điểm tổ chức sử dụng ma túy; điều tra xử lý nghiêm các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm tiến độ điều tra các vụ án, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi tài sản đạt 100% (vượt chỉ tiêu 40%); Công tác phòng ngừa xã hội từ cơ sở được bài bản, hiệu quả hơn....
Đặc biệt, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và với quyết tâm chính trị cao, trên cơ sở kinh nghiệm việc triển khai điểm tại địa bàn huyện A Lưới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 302 ngày 12/9/2023 về nhân rộng chuyển hóa tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn cấp huyện, với cách làm, biện pháp bài bản, từ khâu ban hành kế hoạch theo lộ trình 04 giai đoạn phù hợp thực tiễn từng địa phương; cơ chế vận hành (Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết lần đầu tiên đưa chỉ tiêu ma túy vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024; 100% cấp ủy cấp huyện, cấp xã ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở; tổ chức Hội nghị triển khai thống nhất trong nhận thức, hành động; công tác kiểm tra, giám sát...). Đến ngày 14/5/2024 kết thúc giai đoạn 2 và theo lộ trình đến 14/10/2024 kết thúc giai đoạn 3 “làm sạch ma túy” tại 100% địa bàn cấp huyện.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị
Theo đánh giá, thống kê của Bộ Công an, Thừa Thiên Huế là 01 trong 03 địa phương ban hành Kế hoạch xây dựng tỉnh “sạch ma túy”; là 01 trong 09 địa phương xây dựng địa bàn cấp huyện không có ma túy ; là 01 trong 37 địa phương xây dựng địa bàn cấp xã không có ma túy.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đánh giá những mặt đạt được, hạn chế, vướng mắc trong triển khai nhân rộng công tác chuyển hoá tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý tại địa bàn và công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và đề xuất giải pháp giải quyết, góp phần ngăn chặn tội phạm trong những tháng cuối năm 2024.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh Nguyễn Thanh Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của các thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, sự chung tay, hiệp đồng chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương và toàn thể cán bộ, Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai nhân rộng công tác chuyển hoá tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý và công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 06 tháng đầu năm 2024.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là, phải giữ vững tuyệt đối tình hình an ninh, trật tự, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh an toàn lành mạnh, làm cơ sở quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, du lịch. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, đòi hỏi phải chủ động, nhạy bén với tình hình và không ngừng đổi mới, sắc bén trên các mặt công tác, phối hợp có hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị cần thống nhất nhận thức để lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉ tiêu 100% xã, phường, thị trấn không tăng số lượng người nghiện ma túy” và Kế hoạch 302 của UBND tỉnh và xem đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Tinh thần là đơn vị, địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ trong kế hoạch 302 và sẽ gắn với việc đánh giá thi đua tập thể, cá nhân năm 2024. Từ đó cấp ủy, chính quyền nhất là người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải tập trung lãnh chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thực hiện quyết liệt mục tiêu kéo giảm bền vững tội phạm về trật tự xã hội. Xác định công tác phòng ngừa xã hội là vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất, trong đó công tác tuyên truyền phải đi vào thực chất, đề cao tính hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm; phát huy vai trò của các trang mạng xã hội và vai trò của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương trong tuyên truyền, cảnh báo tội phạm; mở thêm các lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác tuyên truyền của các tổ chức, đoàn thể địa phương. Đặc biệt từ ngày 01/7/2024, lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở ra mắt, đây là lực lượng rất quan trọng ở cơ sở, đề nghị UBND cấp xã, Công an có cơ chế quản lý, chỉ đạo trong nắm tình hình, phối hợp các ngành, đoàn thể, cốt cán giữ vững an ninh, trật tự, an yên ngay từng khu phố, cụm dân cư...
Qua đó, lực lượng Công an tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng quyết liệt đấu tranh, trấn áp tội phạm theo các chuyên đề, lĩnh vực, tình hình nổi lên tại địa bàn. Chủ động nắm tình hình, tập trung phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tại địa bàn cơ sở, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và các ngành, nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy…