Trong những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện đã và đang có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thức ăn, thuốc thú y, vaccine, chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi ngày càng được người dân quan tâm ứng dụng. Phát triển trang trại chăn nuôi đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.
Chăn nuôi được xác định là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện; nhiều địa phương đã quan tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại để tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp như Phú Đa, Phú Gia, Vinh Thanh, Vinh Xuân,… thông qua các chính sách như quy hoạch đất xây dựng, thực hiện chính sách ưu đãi được vay vốn lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi theo hướng trang trại mang lại nhiều ưu điểm, hấp dẫn người nuôi, như: tiếp cận các tiến bộ về giống vật nuôi, thức ăn, chuồng trại, quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng; việc khống chế và kiểm soát các dịch bệnh được thực hiện tốt hơn; khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất hoang hoá, đất ven sông và diện tích mặt nước,... thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến, giết mổ phát triển. Đồng thời, với việc mở rộng về số lượng và quy mô chăn nuôi, loại hình chăn nuôi trang trại đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất. Chăn nuôi trang trại đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư như nông dân, cán bộ, công chức, người đã nghỉ hưu.
Đến nay, toàn huyện đã có 06 trang trại, gồm: 01 trang trại nuôi lợn ở xã Phú Gia; 02 trang trại nuôi gà thịt ở xã Vinh Thanh và thị trấn Phú Đa; 01 trang trại nuôi gà đẻ trứng ở xã Phú Xuân; 02 trang trại nông, lâm, ngư kết hợp ở xã Vinh Xuân và thị trấn Phú Đa. Tổng đàn gia súc gia cầm năm 2022 trên địa bàn huyện khoảng 300.754 con, trong đó: đàn trâu 966 con, đàn bò 2.134, đàn lợn 5.696 con, gia cầm 291.000 con.
Với mục tiêu, xây dựng và thực hiện các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Phú Vang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế của huyện nhà, thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đầu tư cho các vùng có khả năng phát triển chăn nuôi hàng hoá theo phương thức thâm canh, kết hợp chăn nuôi truyền thống với chăn nuôi công nghiệp. Chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang quy mô vừa và lớn trên cơ sở có quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung ở từng địa phương; thực hiện chính sách đầu tư có trọng điểm, theo từng giai đoạn, phù hợp với chiến lược phát triển từng loại vật nuôi cho mọi tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi, thú y;… để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chăn nuôi, góp phần thực hiện tốt mục tiêu trên.