Tại cuộc họp, nhiều đại biểu tham dự đã có những đánh giá liên quan đến ngành du lịch của tỉnh trong tình hình hiện nay, đặc biệt là những bất cập, những tồn tại trong môi trường du lịch đối với Thừa Thiên Huế nhất là tại các di tích; điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và Hương Trà vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục.
Theo Lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế, để tạo thuận lợi cho đi lại và an toàn cho du khách khi tham quan Đại Nội xong, tỉnh Thừa Thiên Huế và các ngành liên quan nên có giải pháp xử lý tình trạng nhiều xe ô tô thường xuyên đậu đỗ khu vực đường Đinh Công Tráng đoạn trước cửa Hiển Nhơn. Liên quan đến đậu, đỗ xe trái phép, nhiều đại biểu cũng đề nghị nên chấn chỉnh tình trạng này tại khu vực sân Hàm Nghi; tuyến đường Đội Cung; bến thuyền Tòa Khâm... Còn với các tuyến đường nhỏ như Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An thì nên cắm biển lưu thông 1 chiều đối với ô tô.
|
Du khách sau khi tham quan Đại Nội
|
Để tạo thuận lợi cho du khách tham gia giao thông vào Đại Nội qua cửa Ngăn (lưu lượng xe nhiều gây khó khăn đi lại của du khách), nhiều đại biểu cũng đề xuất phân luồng cho ô tô vào Thành Nội (Kinh Thành) qua cửa Quảng Đức; đồng thời đề xuất mở thông cửa Trài để giảm tải cho các cửa khác của Kinh thành Huế.
Liên quan mỹ quan đô thị, lãnh đạo Công an tỉnh và thành phố Huế đề nghị chấn chỉnh và xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, cơi nới xây dựng hàng quán tại khu vực đường Phạm Ngũ Lão; sớm chấn chỉnh và nên tính toán lại việc tổ chức phố đêm cho hợp lý.
Về vấn đề buôn bán lộn xộn, sự thiếu trật tự tại khu vực điểm đỗ xe du lịch (hiện tại) đến lối vào di tích lăng Minh Mạng cũng được nhiều đại biểu nêu lên, và đặc biệt là đã được Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh phát hiện và kiến nghị có giải pháp tổ chức lại điểm đỗ xe du lịch vào tham quan lăng Minh Mạng cho hợp lý hơn, kết hợp với xử lý các hàng quán kinh doanh bên ngoài đảm bảo văn minh, lịch sự, sạch đẹp và hài hòa cảnh quan.
Các vấn đề liên quan ăn xin, chèo kéo du khách tại thánh tích Quán Thế Âm; bãi đỗ xe du lịch tại di tích lăng Tự Đức; tình trạng lừa ép khách trên các thuyền và mua vé nghe ca Huế cũng được các đại biểu đặt ra để tìm giải pháp xử lý hữu hiệu.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã nhấn mạnh, mặc dù ngành du lịch trong thời gian qua được tỉnh chú trọng quan tâm xây dựng và phát triển, thế nhưng, thực trạng môi trường du lịch ở Thừa Thiên Huế gần đây vẫn còn những bất cập như nạn chèo kéo, đeo bám khách, nạn tăng giá các dịch vụ, đậu đỗ xe trái phép, nạn lấn chiếm lòng lề đường hoặc cơi nới trong xây dựng làm mất cảnh quan, trật tự đô thị, ảnh hưởng đến môi trường du lịch, để lại những ấn tượng không đẹp trong lòng du khách. Vì vậy, các ngành liên quan, các địa phương phải nỗ lực tối đa, chủ động bắt tay thực hiện giải quyết những tồn tại, xác định đây là trách nhiệm của mình để xử lý hữu hiệu chứ không chỉ phát hiện ra để nêu vấn đề mà không thực hiện xử lý.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành giao thông cần có giải pháp để đẩy nhanh việc đăng kiểm số thuyền du lịch chưa đăng kiểm để phục vụ du lịch và để các chủ thuyền tiếp tục hoạt động; tuy nhiên về lâu dài, các ngành liên quan cần tính toán, tham mưu cho tỉnh chiến lược phát triển các thuyền du lịch trên sông Hương theo hướng nâng cao chất lượng, văn minh và an toàn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương và các ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc chấn chỉnh tình trạng bán hàng không niêm yết giá tại các di tích và nhiều nơi khác để hạn chế nạn bán hàng với giá cắt cổ mà một số du khách đã phàn nàn. Việc chụp ảnh dạo trên thuyền ca Huế được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng lừa ép, không để du khách phải khó chịu.
|
Đoàn kiểm tra môi trường của UBND tỉnh đang kiểm tra tại bến thuyền Tòa Khâm chiều ngày 23/7/2013
|
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo thành phố Huế phải chấn chỉnh tình trạng bày bán hàng lấn chiếm lề đường nhất là tuyến đường Hà Nội, Lê Lợi trước trường Đại học Sư Phạm, làm mất mỹ quan đô thị tại các tuyến phố trung tâm thành phố Huế. Đồng thời thành phố cần sớm xây dựng trình tỉnh xem xét về xây dựng tuyến phố thương mại, trong đó có việc xác định tuyến phố nào kinh doanh những lĩnh vực nào giúp đảm bảo sự đồng bộ, thuận tiện và mỹ quan đô thị.
Liên quan điểm di tích lăng Minh Mạng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo địa phương cùng các ngành liên quan phải vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh thực trạng lộn xộn của hàng quán kinh doanh tại điểm di tích này. Đối với bãi đỗ xe du lịch, thị xã Hương Trà phối hợp với các ngành liên quan và Trung tâm BTDT Cố đô Huế tính toán, đề xuất vị trí, sắp xếp lại để có điểm đỗ xe du lịch hợp lý, tạo cảnh quan môi trường bên ngoài khu vực di tích chỉnh chu hơn, ngăn nắp trật tự hơn.
Ngoài ra, các ngành, địa phương liên quan cần phối hợp tích cực nhanh chóng triển khai xây dựng các tuyến đường du lịch vào các di tích, điện Hòn Chén; đề xuất điểm đỗ xe tại các điểm du lịch...
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc quản lý môi trường du lịch là việc làm thường xuyên, liên tục của chính quyền địa phương, nhiều ngành, nhiều cấp, chứ không chỉ thực hiện theo đợt, theo mùa vụ. Các ngành, các địa phương liên quan phải chủ động phối hợp, đề ra biện pháp, giải pháp cần thực hiện hữu hiệu, đồng bộ, quyết liệt để xử lý những tồn tại, bất cập, tạo dựng hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế ngày càng thân thiện, an toàn, góp phần đưa ngành du lịch phát triển bền vững.